Thị trường ngày 5/6: Giá gạo lập đỉnh 8 năm, quặng sắt quay đầu giảm sau khi vượt 100 USD/tấn

Thị trường ngày 5/6: Giá gạo lập đỉnh 8 năm, quặng sắt quay đầu giảm sau khi vượt 100 USD/tấn

01:47

Thị trường ngày 5/6: Giá gạo lập đỉnh 8 năm, quặng sắt quay đầu giảm sau khi vượt 100 USD/tấn



Ảnh minh họa.
Thị trường dầu mỏ và kim loại công nghiệp có xu hướng giao dịch chững lại trong phiên vừa qua. Trái lại, một số thị trường nông sản khởi sắc do nhu cầu mạnh.

Dầu dao động nhẹ khi nhà đầu tư chờ biết rõ quyết định của OPEC

Mặc dù biến động mạnh trong ngày, giá dầu chỉ thay đổi chút ít vào cuối phiên phiên giao dịch vừa qua khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt về việc có kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng hay không.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, trong đó có Nga (OPEC+) đang bàn xem khi nào sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp bộ để thảo luận về việc có gia hạn các biện pháp cắt giảm sản lượng như hiện nay hay không.

Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 20 US cent (0,5%) lên 39,99 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 12 US cent lên 37,41 USD/thùng.

Saudi Arabia và Nga, hai trong số những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng 9,1 triệu thùng/ngày thêm một tháng. Tuy nhiên, cuộc họp sớm của OPEC+ vào ngày 4/6 như đề xuất của Chủ tịch OPEC đã bị hoãn lại giữa bối cảnh trong nhóm vẫn còn những ý kiến về việc một số nhà sản xuất dầu chưa tuân thủ đầy đủ thỏa thuận cắt giảm hiện nay. Saudi Arabia, Kuwai và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất không có kế hoạch kéo dài thời gian tự nguyện cắt giảm sản lượng bổ sung 1,18 triệu thùng/ngày sau tháng 6/2020, cho thấy nguồn cung dầu thô có thể tăng trong tháng tới, bất kể OPEC+ quyết định như thế nào.

Vàng tăng trên 1% do chứng khoán Phố Wall và USD giảm

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch vừa qua khi chứng khoán Phố Wall giảm điểm và đồng USD cũng yếu đi do dữ liệu thương mại của Mỹ kém tích cực mặc dù thị trường lao động có dấu hiệu cải thiện.

Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.719,42 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 1,3% lên 1.719,42 USD/ounce.

"Thị trường chứng khoán chìm vào sắc đỏ, báo hiệu nhà đầu tư vẫn có nhu cầu mạnh đối với những tài sản an toàn như vàng", chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, Daniel Ghali, cho biết. Đồng USD rơi xuống thấp nhất trong vòng gần 3 tháng.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng trong tháng 4/2020 do đại dịch Covid-19 cản trở dòng chảy hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, đẩy xuất khẩu xuống mức thấp nhất 10 năm.

Quặng sắt giảm sau khi vượt 100 USD/tấn

Giá quặng sắt kỳ hạn trên 2 sàn giao dịch Đại Liên và Singapore giảm trong phiên giao dịch vừa qua do nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau khi giá tăng lúc đầu phiên.

Lo ngại về nguồn cung từ Brazil và lượng tồn trữ ở Trung Quốc giảm đã đẩy giá mặt hàng này liên tục tăng trong những ngày gần đây. Kết thúc phiên 4/6, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên giảm 2,1% xuống 737 CNY (103,49 USD)/tấn, sau khi tăng 2,3% lúc đầu phiên. Trên sàn Singapore, quặng kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 1,7% xuống 99,18 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi đạt 101,3 USD/tấn chỉ vài giờ trước đó. Phiên liền trước, quặng sắt 62% giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm khỏi mức cao nhất 10 tháng, xuống 101,5 USD/tấn.

Thị trường tiếp tục biến động phiên thứ 2 liên tiếp sau khi sàn Đại Liên yêu cầu các thành viên hãy giao dịch quặng sắt kỳ hạn tương lai một cách "hợp lý" sau khi giá đã vượt 100 USD/tấn, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường giám sát thị trường hàng ngày và xử lý tất cả các hành vi vi phạm để duy trì sự trật tự trên thị trường.

Đồng đi lên do Châu Âu tăng gấp đôi gói kích thích

Giá đồng tăng trong phiên vừa qua, duy trì ở mức cao nhất 2,5 tháng, sau khi Ngân hàng trung ương Châu Âu và Chính phủ Đức công bố các gói kích thích kinh tế lớn và số người thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống.

Đồng kỳ hạn tham chiếu (giao sau 3 tháng) trên sàn London tăng 0,1% lên 5.528 USD/tấn vào lúc đóng cửa, trong phiên có thời điểm đạt 5.552 USD/tấn, mức cao kỷ lục 2,5 tháng như đã đạt được trong phiên liền trước.

Đậu tương cao nhất gần 2 tháng, lúa mì cũng tăng

Giá đậu tương Mỹ trong phiên giao dịch vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng gần 2 tháng, trong khi lúa mì tăng hơn 2% và ngô vững do USD yếu đi làm gia tăng hy vọng xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Mỹ sẽ mạnh lên (USD yếu đi làm cho nông sản Mỹ cạnh tranh tốt hơn so với nông sản Brazil).

Trên sàn Chicago, đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 10-1/4 US cent lên 8,67-3/4 Bộ Nông nghiệp Mỹ liên tiếp xác nhận doanh số bán đậu tương Mỹ đến một số địa điểm chưa xác định, mà theo các thương nhân thì là khách hàng Trung Quốc, bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong khi đó, lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 11-3/4 US cent lên 5,23-3/4 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt 5,29 USD – cao nhất kể từ 28/4; và ngô tăng 5 US cent lên 3,29 USD/bushel.

Đường đi lên, đường thô cao nhất 2,5 tháng

Giá đường tiếp tục tăng trong phiên vừa qua do các quỹ đầu cơ tăng nhu cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục.

Đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn New York tăng 0,11 US cent, tương đương 0,9% lên 11,73 US cent/lb, cao nhất kể từ 11/3/2020. Tâm lý nhà đầu tư chuyển hướng tích cực mặc dù không ai cho rằng giá sẽ quay trở lại mức cao như giữa tháng 2/2020.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 trên sàn London tăng 9,2 USD, tương đương 2,4%, lên 384,80 USD/tấn. Nguồn cung đường trắng đang bị thắt chặt do sản lượng của Thái Lan sụt giảm. Giá đường trắng kỳ hạn 1 tháng cao hơn 20 USD/tấn so với kỳ hạn 2 tháng. Vị thế đảo ngược này cho thấy nhu cầu đường trắng physical đang rất mạnh.

Dầu thực vật giảm

Giá dầu cọ giảm trên 3% trong phiên giao dịch vừa qua khi các nhà đầu tư bán chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh trước đó, giữa bối cảnh ước tính lượng tồn trữ tháng 5/2020 tăng lên.

Dầu cọ kỳ hạn giao tháng 8 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 3% xuống 2.326 ringgit (543,84 USD)/tấn. Hai phiên liền trước, giá dầu cọ đã tăng 2,5% và đạt mức cao nhất 2 tháng ở phiên 3/6/2020.

Trong khi đó, giá dầu đậu tương trên sàn Đại Liên cũng giảm 0,63%, và dầu cọ trên sàn Chicago giảm 1,18%.

CGS-CIMB Research dự báo sản lượng dầu cọ Malaysia, nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới, có thể đã tăng 3% trong tháng 5/2020. Trong khi đó, nhập khẩu dầu cọ Ấn Độ tháng 5/2020 giảm 53% so với cùng kỳ năm trước do chính sách phong tỏa toàn quốc chống Covid-19. Nghi ngờ khả năng OPEC+ không đạt được thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng sâu sau tháng 6/2020 cũng góp phần gây áp lực lên giá dầu cọ.

Gạo Việt Nam cao nhất 8 năm, gạo Thái Lan cũng tăng trong khi Ấn Độ giảm

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này tăng mạnh, lên mức cao kỷ lục hơn 8 năm do các doanh nghiệp khó gom đủ hàng để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên, giữa bối cảnh mưa lớn gây ảnh hưởng tới vụ thu hoạch ở ĐBSCL. Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện giá 475 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu năm 2012, so với 450 – 460 USD/tấn một tuần trước đây. Các doanh nghiệp đang ráo riết gom hàng để thực hiện những hợp đồng đã ký với các khách hàng Malaysia và Cuba.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá cũng tăng lên 490 – 512 USD/tấn, từ mức 489 – 490 USD/tấn cách đây một tuần, chủ yếu do đồng baht mạnh lên, giữa bối cảnh thị trường vẫn lo ngại về nguồn cung nội địa mặc dù gần đây đã có mưa.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá giảm xuống 367 – 373 USD/tấn, từ mức 370 – 375 USD/tấn cách đây một tuần, do các nhà nhập khẩu đến từ Châu Phi và Châu Á giảm dần tốc độ mua vào sau khi đã tích cực mua hồi tháng 5.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabia kỳ hạn tháng 7 giảm 0,95 US cent, tương đương 1%, xuống 98,15 US cent/lb. Mậc dù vậy, đồng real yếu đi và thu hoạch cà phê của Brazil chậm hơn chút ít so với mức trung bình của cùng thời điểm này các năm trước đang hỗ trợ giá mặt hàng này. Robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 4 USD (0,3%) xuống 1.198 USD/tấn.

Tại Châu Á, giá cà phê nội địa của Việt Nam vững trong tuần qua vì nguồn cung của người trồng cà phê không còn nhiều, trong khi mức cộng cà phê Indonesia nới rộng do USD yếu đi so với rupiah.

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang bán cà phê nhân xô với giá 32.000 đồng (1,38 USD)/kg, không thay đổi so với cách đây một tuần. Cà phê robusta xuất khẩu loại 2 (5% đen và vỡ) giá cộng 200 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn London (giao dịch phiên 4/6), thấp hơn chút ít so với mức cộng 200 đến 220 USD/tấn cách đây một tuần.

Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết, người trồng cà phê không muốn bán nốt phần 2 đến 2,5% sản lượng năm nay còn lại ở mức giá hiện tại vì thấp dưới chi phí sản xuất. Tuy nhiên, họ cũng không thể nâng giá lên vì căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và dịch Covid-19.

Trong khi đó tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra của tỉnh Lampung giá cộng 350 USD/tấn, so với 290-300 USD/tấn cách đây một tuần. Đồng rupiah của Indonesia đã tăng hơn 3% so với USD từ đầu tuần tới nay. Indonesia đã xuất khẩu 7.966,2 tấn cà phê robusta Sumatra từ tỉnh Lampung trong tháng 5/2020, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hành tây Trung Quốc: Cầu vượt cung

Nhiều khu vực ở Trung Quốc thu hoạch hành tây gần như suốt năm, trong đó khu vực sản xuất chính là Sơn Đông. Thời tiết ở Sơn Đông gần đây luôn thuận lợi, do đó sản lượng ở mức cao. Kết quả là giá hành tây tại đây liên tiếp giảm. Giá thu mua hồi tháng 1/2020 ở mức khoảng 2 CNY/0,5 kg, đến nửa đầu tháng 5/2020 chỉ còn 0,4 CNY/0,5 kg, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là bởi sự bùng phát Covid-19 khiến cho việc xuất khẩu gặp khó khăn, gây ra tình trạng dư cung. Bên cạnh đó, Ấn Độ vào mùa thu hoạch hành càng gây tác động tới giá hành Trung Quốc.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 5/6

Thị trường bất động sản đang khởi sắc trở lại

Thị trường bất động sản đang khởi sắc trở lại

01:40

Thị trường bất động sản đang khởi sắc trở lại



Các hoạt động mua bán đã trở về trạng thái bình thường trên thị trường BĐS sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát.

Theo ghi nhận, dù chưa mạnh dạn “tấn công” thị trường BĐS như thời điểm trước nhưng khá nhiều doanh nghiệp đã có động thái “nhá hàng” hoặc “bung thông tin” để thăm dò thị trường. Trong đó, một số doanh nghiệp có sản phẩm mới kì vọng sức mua sẽ đột phá ở giai đoạn mà cả nguồn cung lẫn sức mua bị “nén” khá lâu trên thị trường.

Trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây, TS Trần Kim Chung cho hay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc BĐS bị ảnh hưởng, giao dịch chững lại. Thế nhưng, từ cuối tháng 4 đến nay, tình hình đã có dấu hiệu khả quan, các hoạt động BĐS bắt đầu bắt nhịp lại với thị trường.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, trong giai đoạn giãn cách xã hội, thị trường BĐS gần như đứng im. Nhưng ngay khi Thủ Tướng ban hành chỉ đạo gỡ bỏ giãn cách, các hoạt động kinh tế xã hội đã từng bước quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Có thể nói, đến giữa tháng 5/2020, mọi hoạt động gần như đã trở lại như trước Tết Nguyên Đán, trong đó nổi bật là hoạt động của thị trường BĐS Tp.HCM.

Ông Hoàng chỉ ra, nguồn cung mới được giới thiệu hoặc được mở bán chính thức trong tháng 5 đã tăng nhiều hơn so với tháng 4 và Quý 1/2020. Sức mua cũng được ghi nhận tốt hơn, đặc biệt là mức giá không hề có sự thay đổi so với trước đó (nếu không muốn nói một vài dự án có giá tăng nhẹ).

Không chỉ tại thị trường Tp.HCM, các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng có nhiều dự án được đưa ra thị trường với đầy đủ các phân khúc Đất nền - Căn hộ - Nhà phố/biệt thự.

Theo dự báo của đơn vị này, thị trường BĐS nhà ở Tp.HCM sẽ phục hồi sôi động trở lại từ cuối quý 2/2020. Sang đến quý 3 và đến cuối năm, tình hình có thể sẽ tiếp tục tích cực hơn.

Báo cáo mới đây của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cũng cho thấy đã có dấu hiệu tích cực trở lại thị trường của một số doanh nghiệp, mặc dù thị trường vẫn còn khó khăn, nhiều sàn giao dịch vẫn chưa mở cửa.

Cụ thể, lượng tin đăng sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội nhưng sau đó tăng mạnh tới 73% khi yêu cầu giãn cách được nới lỏng. Đáng chú ý, mức độ quan tâm của người dùng cũng không suy giảm trong cả tháng 3 và tháng 4 cho thấy dù nguồn cung hạn chế và giá bán chưa giảm sâu, người mua vẫn sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Tp.HCM, mặc dù mức độ giao dịch chưa biến chuyển mạnh nhưng làn sóng của giới đầu tư và người có nhu cầu ở thực đang dần phục hồi. Tuy vậy, nhìn chung lượng giao dịch vẫn chưa ổn định do khách hàng vẫn còn tâm lý dè chừng. Trong khi doanh nghiệp BĐS vẫn giữ sự lạc quan, tin tưởng dòng tiền của nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại trong quý 3/2020.

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh hay quỹ đất trung tâm ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu vẫn cao là các nguyên nhân khiến doanh nghiệp này tin rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, đặc biệt là phân khúc căn hộ sẽ ít bị tác động hơn các lĩnh vực khác. Theo các chuyên gia, thời gian qua chính là giai đoạn “thử lửa” sức đề kháng của thị trường BĐS.

Tuy vậy, nếu xét về mặt đầu tư thì BĐS vẫn là kênh được các NĐT quan tâm, là kênh đầu tư an toàn. Với những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, lượng tiêu thụ ghi nhận vẫn ổn định, giá vẫn có chiều hướng tăng lên.

Các NĐT cũng dần chuyển hướng sang đầu tư trung - dài hạn thay vì lướt sóng như thời điểm trước đây. Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở của thành phố rất cao nên chắc chắn các dự án được đầu tư bài bản, phục vụ nhu cầu dài hạn,... sẽ luôn thu hút dòng tiền tốt trên thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc Gia, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn hiện không còn nhiều, sự quá tải hạ tầng xã hội ngày một trầm trọng hơn. Việc một số nhà phát triển BĐS mạnh dạn chuyển hướng về thị trường tỉnh chính là đón đầu được xu thế đô thị hóa của địa phương, đồng thời đây cũng sẽ là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Sau dịch, mỗi doanh nghiệp đều có một phương án khác nhau. Có doanh nghiệp ngủ đông, có doanh nghiệp gồng mình lên để chịu đựng hoặc chịu sức nén để bật dậy khi dịch đi qua.

Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong 10 - 20 năm, thậm chí là 30 năm nữa vẫn còn nhiều cơ cấu do dân số trẻ, tăng trưởng GDP cao, chưa kể có nguồn nhu cầu lớn ở nước ngoài kể từ khi chúng ta mở của cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Lộ diện 3 nhà đầu tư đề nghị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất siêu dự án Gateway 2 tỷ USD tại Đà Nẵng

Lộ diện 3 nhà đầu tư đề nghị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất siêu dự án Gateway 2 tỷ USD tại Đà Nẵng

01:33

Lộ diện 3 nhà đầu tư đề nghị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất siêu dự án Gateway 2 tỷ USD tại Đà Nẵng



Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện có 3 nhà đầu tư quan tâm, đề nghị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu phức hợp chung cư cao tầng, trung tâm thương mại-tài chính, khu vui chơi giải trí có thưởng dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt (Gateway) có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD.

Theo đó, dự án này có tổng diện tích 8,4ha gồm các khu đất có ký hiệu A12, A13, A14, A15 dọc đường Võ Văn Kiệt và khu đất rộng 2,7 ha phía tây bắc nút giao thông đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà). Dự án đã được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của quận Sơn Trà và hiện đang được UBND thành phố xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500), Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng sẽ tổng hợp hồ sơ có liên quan, trình Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định và trình UBND thành phố phê duyệt phương án và quyết định đấu giá quyền sử dụng đất dự án.

Hiện nay, UBND thành phố cũng đang giao các sở, ngành liên quan tính toán, xác định giá khởi điểm, quy mô đầu tư dự án, làm cơ sở để đấu giá quyền sử dụng đất dự án. Dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án trong quý 3 của năm 2020.

Theo Sở này, hiện có 3 nhà đầu tư quan tâm gồm: Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương và Liên doanh Tập đoàn Sakae Holding Ltd - Tập đoàn Fission Holdings Pte. Ltd - Công ty CP Xuất nhập khẩu Newtechco.
Chủ tịch Alphanam Group cùng con gái bà Cao Thị Ngọc Dung ứng cử vào Hội đồng quản trị PNJ

Chủ tịch Alphanam Group cùng con gái bà Cao Thị Ngọc Dung ứng cử vào Hội đồng quản trị PNJ

01:20

Chủ tịch Alphanam Group cùng con gái bà Cao Thị Ngọc Dung ứng cử vào Hội đồng quản trị PNJ



Danh sách ứng viên có Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh.

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố danh sách 3 ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 gồm bà Trần Phương Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Talentnet Tiêu Yến Trinh và Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam Nguyễn Tuấn Hải.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo sinh năm 1984, là con gái lớn của Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình.

Bà Thảo tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành quản lý kinh tế tại Đại học Oxford (Anh), sau đó nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của London Business School và bằng tiến sĩ kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ). Bà Thảo từng có hai năm làm giảng viên tại Đại học Kinh tế Tp.HCM, sau đó đảm nhiệm chức quản lý tại Ngân hàng Đông Á và ANZ Banking Group (Úc). Hiện, bà Thảo cũng là Giám đốc trung tâm chuyển đổi số hoá và nắm giữ 5,74 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương 2,5% cổ phần đang lưu hành.

Trước khi bà Thảo ứng cử, HĐQT PNJ chỉ còn 6 người. Ông Robert Alan Willet - Thành viên HĐQT độc lập vừa nộp đơn từ nhiệm sau 2 năm gắn bó. Cuối tháng 2, hai thành viên khác cũng từ nhiệm là bà Phạm Vũ Thanh Giang và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh.

Năm 2020, PNJ đặt kế hoạch doanh thu gần 14.490 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước và giảm 31% so với kế hoạch ban đầu. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 30% còn 832 tỷ đồng.


Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì?

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì?

01:13

Chuyên gia The Economist Intelligence Unit: Mỹ đe dọa rút khỏi WTO, tình hình Trung Quốc phức tạp, đối thủ số 1 và nguy cơ hàng đầu của Việt Nam là gì?



Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ, ông John Marrett - Chuyên gia phân tích cấp cao về khu vực Đài Loan, Hong Kong và Việt Nam tại The Economist Intelligence Unit cho biết: "Tôi tin Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội. Đã có rất nhiều vốn FDI được rót vào để xây dựng các cơ sở sản xuất mới của các công ty đa quốc gia".




Tổng thống Donald Trump ngày càng thể hiện rằng ông không thích toàn cầu hóa cũng như các tổ chức đa phương. Mới đây Mỹ đã rời WHO, trước đó cũng đã từng rút khỏi TPP và nhiều lần đe dọa rời WTO. 

Ngài Trump cũng đang xem xét rút khỏi thỏa thuận toàn cầu về hợp đồng mua sắm chính phủ trị giá 1.700 tỷ USD của Tổ thức Thương mại Thế giới (WTO). Nếu việc này xảy ra, các đồng minh thân cận của Mỹ cũng sẽ không được ưu đãi trong đấu thầu các gói thầu mua sắm của chính phủ Mỹ, đồng thời phải tuân theo luật mua sản phẩm của Mỹ. Các nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ khó có thể tham gia đấu thầu các hợp đồng này. Quy mô hiện tại của thị trường mua sắm của chính phủ Mỹ vào khoảng 837 tỷ USD.

Một số chuyên gia nhận định, quan điểm chung của phía Mỹ đang là: WTO cần Mỹ hơn Mỹ cần WTO. Trước đó, Tổng thống Trump cũng từng nhiều lần đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO nếu họ không sửa đổi các điều khoản mà ông cho là "có lợi cho Trung Quốc" và đơn phương xóa bỏ các ưu đãi theo quy chế của WTO dành cho một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển.

"Ngài Trump và chính quyền của ông đã chỉ trích WTO trong suốt thời gian qua. Họ muốn ngăn chặn những ảnh hưởng thương mại của tổ chức này – bị ông Trump cho là đang "thiên vị" một số nền kinh tế - đến mức họ đe dọa sẽ rời đi. Nhưng điều này không hoàn toàn có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ rút hoàn toàn khỏi WTO. Tôi cho rằng Mỹ vẫn sẽ sử dụng WTO như một phương án dự phòng cho thương mại tự do" - ông John Marrett - Chuyên gia phân tích cấp cao về khu vực Đài Loan, Hong Kong và Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Dịch vụ Rủi ro Quốc gia cho khu vực châu Á tại The Economist Intelligence Unit (The EIU) trả lời phóng viên Trí Thức Trẻ trong một cuộc phỏng vấn.

"Giả sử, nếu một quốc gia rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương, khu vực hoặc song phương, thì quốc gia đó sẽ trở lại với mức thuế WTO khi giao thương với các quốc gia là thành viên của WTO, không có phân biệt đối xử" - ông Marrett nói thêm.

Ông giải thích, việc hưởng mức thuế suất đó đồng nghĩa với việc quốc gia này cũng có nghĩa vụ phải giữ những mức thuế do WTO quy định. Và nó sẽ là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của Mỹ. Bởi nếu như Mỹ rời WTO và sau đó tăng thuế đối với các nước khác, họ cũng sẽ phải đối mặt với sự tăng thuế đồng loạt từ nhiều quốc gia đối với hàng hóa của Hoa Kỳ.

"Vì vậy, Hoa Kỳ sẽ phải đánh đổi rất nhiều nếu muốn rời đi. Đó là một cái giá quá đắt. Tôi không cho rằng Hoa Kỳ sẽ rời WTO" - ông Marrett khẳng định.

Xu hướng bảo hộ đã được ông Trump khởi xướng ngay trong chiến dịch tranh của năm 2016 của ông. Chỉ mới trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông đã rút khỏi TPP và sau đó là khởi xướng một cuộc chiến thương mại "trường kỳ" với Trung Quốc, khẳng định sẽ mang việc làm về Mỹ, khiến Trung Quốc phải trả giá. 

Nhưng mới đây, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã thống kê rằng: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã và đang có nguy cơ gây thiệt hại lên đến hơn 1,7 nghìn tỷ USD cho các doanh nghiệp Mỹ. 

"Rõ ràng, nếu bạn nhìn vấn đề từ quan điểm của các công ty Mỹ, thì Mỹ chẳng được lợi gì. Nếu một công ty bị buộc phải tìm nhà cung cấp thay thế cho Trung Quốc, họ có thể sẽ bị buộc phải trả nhiều tiền hơn. Nếu không tìm nơi khác thì lại bị áp thuế. Vì vậy, các công ty chẳng được lợi gì từ đó cả.

Thế còn từ quan điểm người lao động, Mỹ có đang giành lại nhiều việc làm hơn? Câu trả lời của tôi là không.

Ông Trump có thể sẽ là người duy nhất thấy yên tâm hơn. Nhưng chắc chắn thương chiến sẽ không trấn an được người dân hay các công ty. Các công ty đều hiểu rằng nếu quay lại Mỹ thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Hoặc nếu có thực sự quay lại Mỹ vì lợi thế trình độ công nghệ so với các nước đang phát triển, thì các công ty cũng sẽ tự động hóa quy trình sản xuất nhiều hơn, nên dù thế nào thì họ cũng không thực sự mang lại nhiều công việc như những gì người ta nghĩ lúc ban đầu.


Rất nhiều công ty Mỹ đang rời Trung Quốc, kéo theo đó là các công ty của các quốc gia đồng minh với Mỹ. Chính phủ Nhật Bản tháng trước đã công bố dành ra một quỹ 2,2 tỷ USD để trả cho các nhà sản xuất của họ chỉ để rời khỏi Trung Quốc. Samsung cũng khởi đầu cho một cuộc "di cư" của nhiều công ty Hàn Quốc, theo sau bởi Hyundai, LG, Lotte...

"Đúng là các công ty Hoa Kỳ đang rời khỏi Trung Quốc, và cả các công ty đa quốc gia từ các nước phát triển khác cũng đã và đang có kế hoạch rời Trung Quốc. Những công ty đó, họ không còn mở rộng hoạt động ở Trung Quốc nữa. Thay vào đó, họ tìm kiếm những địa điểm khác để phát triển hoạt động, chủ yếu vì lý do chi phí ở đó đang tăng cao. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, đây là quá trình dài hạn, nó không xảy ra đột ngột" - chuyên gia kinh tế EIU nói.

"Mặt khác, Trung Quốc cũng không còn quá phụ thuộc vào sản xuất, xuất khẩu nữa. Trung Quốc đã phát triển những lĩnh vực có giá trị cao hơn rất nhiều. Họ cũng hướng về thị trường nội địa nhiều hơn vì bản thân thị trường nội địa Trung Quốc cũng đang giàu lên.

So với rất nhiều quốc gia khác, ngay cả các quốc gia trong khối EU, Trung Quốc cũng không còn định hướng xuất khẩu quá lớn. Điều này có vẻ hơi lạ, có hơi trái với những nhận thức thông thường của chúng ta. Vì ta vẫn thấy gần tất cả mọi thứ đều "Made-in-China" đúng không (cười)? Mọi thứ đều được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng đó là vì Trung Quốc rất lớn. Dân số của họ tới 1,4 tỷ người, tức là 1/6 dân số toàn cầu đang ở Trung Quốc".

Nhưng tôi muốn tách biệt hai ý: Trung Quốc có thể vẫn là công xưởng của thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế của họ hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Dù thị trường nội địa thời gian vừa qua đã có dấu hiệu suy yếu, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn có rất nhiều dư địa chính sách. Ông John Marrett cho rằng, Trung Quốc không bị đặt vào một tình thế quá khó khăn về mặt tài chính, bao gồm cả nợ công. Họ vẫn có thể tài trợ cho các chính sách mở rộng, kiểm soát thâm hụt ở mức độ hợp lý. Vấn đề lớn hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt là khoản nợ doanh nghiệp khổng lồ. 

Hiện tại, hầu như không quốc gia nào có thể thay thế được quy mô và hiệu quả của sản xuất Trung Quốc, nhưng các công ty vẫn muốn tìm một cơ sở sản xuất ở quốc gia khác để đa phương hóa. 


"Bạn có thể thấy rất rõ lợi thế của các khu công nghiệp công nghệ cao, của dân số rất lớn, năng suất và trình độ chuyên môn của lao động Trung Quốc. Thật khó để tìm được nơi khác có tất cả những lợi thế đó với giá rẻ hơn. Nhưng, những điều này làm cho Việt Nam trở thành cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc. Tôi tin Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội. Đã có rất nhiều vốn FDI được rót vào để xây dựng các cơ sở sản xuất mới của các công ty đa quốc gia" - ông John nói. 

"Song Việt Nam sẽ phải dè chừng Indonesia, vâng, đó sẽ là đối thủ số 1. Ấn Độ? Có lẽ trong một vài năm tới, vì Ấn Độ có những khó khăn nhất định liên quan đến các bộ máy chính trị và môi trường kinh doanh khá bất cập so với Việt Nam, Phillipines cũng gặp phải vấn đề tương tự. Vì vậy, tôi khá chắc Indonesia sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện tại và tương lai của Việt Nam".

Đại diện EIU cũng cảnh báo nguy cơ hàng đầu với Việt Nam: Với sự phát triển của tự động hóa, Việt Nam, cũng các nước đang phát triển khác sẽ có nguy cơ bị đẩy xa khỏi cơ hội làm giàu từ sản xuất – điều Trung Quốc từng đạt được.